Tin tức  
Thị trường kính xây dựng Việt Nam rất tiềm năng
Ngày đăng: 25-08-2011
Ông Takumi Otani, Tổng giám đốc Công ty VGI, liên doanh sản xuất kính nổi vừa khởi công xây dựng nhà máy tại Vũng Tàu khẳng định thị trường kính xây dựng tại Việt Nam có quy mô lớn với tốc độ tăng trung bình 10%/năm.

Công ty TNHH công nghiệp kính Việt Nam - VGI -liên doanh giữa Nippon Sheet Glass Co. Ltd., của Nhật Bản và Tổng công ty vật liệu xây dựng số 1 của Việt Nam vừa làm lễ động thổ xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Liên doanh này có vốn pháp định là 46,2 triệu USD, trong đó phía nước ngoài góp 70% và Việt Nam góp 30%, tổng vốn đầu tư đạt 145 triệu USD. Liên doanh chuyên sản xuất các loại kính xây dựng.

Nhận định của ông về thị trường kính xây dựng Việt Nam?

Ngành công nghiệp sản xuất kính nổi ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu ít năm trước đây. Khi đó, các nhà sản xuất kính nổi trong khu vực đã bắt đầu hoạt động từ rất lâu rồi và về cơ bản các nhà máy này đã khấu hao xong.

Tổng quy mô thị trường kính Việt Nam hiện được dự tính ở mức 300.000 - 400.000 tấn/năm với các loại sản phẩm có chất lượng khác nhau. Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức 7% năm, chúng tôi kỳ vọng rằng nhu cầu trên thị trường kính nội địa sẽ tăng 10% mỗi năm.

Việt Nam là thị trường tiềm năng trong lĩnh vực kính xây dựng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam mở cửa nền kinh tế để thực hiện AFTA, cũng như khi gia nhập WTO sau này, các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các nhà sản xuất trong khu vực, thậm chí ngay tại thị trường trong nước.

Tại sao VGI lại chọn thời điểm này để xây dựng nhà máy sau khi đã hoãn do khủng hoảng kinh tế?

Sản xuất kính nổi là ngành công nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Số vốn đầu tư cần thiết để xây dựng một nhà máy hiện đại và tiên tiến với công suất 500 tấn thủy tinh nóng chảy/ngày (tương đương với 28 triệu m2 kính quy tiêu chuẩn có độ dày 2mm/năm) thông thường vào khoảng 100 triệu USD.

Do khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ phải vận hành đầy đủ công suất 24 giờ mỗi ngày liên tục trong khoảng 10 năm mà không thể dừng sản xuất, đồng thời cũng không thể điều chỉnh sản lượng sản xuất theo biến động của thị trường được, ngay cả khi môi trường kinh doanh không thuận lợi. Do đó cần phải cân nhắc kỹ thời điểm phù hợp để xây dựng một nhà máy mới.

Một trong những cơ sở để chúng tôi quyết định khởi động lại việc thực hiện dự án VGI là sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng tốc độ tăng trưởng sẽ được giữ vững trong tương lai.

Khi nào nhà máy chính thức hoạt động và kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh VGI trong tương lai?

Theo kế hoạch, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 6 năm 2007, sau 18 tháng thi công. Trên cơ sở thế mạnh về công nghệ và với sự hỗ trợ của các công ty mẹ, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu đối với các sản phẩm kính nổi chất lượng cao đang gia tăng tại thị trường Việt Nam.

Quy mô của nhà máy kính nổi phía Bắc thuộc liên doanh do Nippon Sheet Glass Co.Ltd. đầu tư so với nhà máy mới ở phía Nam trong tương lai như thế nào?

Cả hai nhà máy có cùng quy mô công suất sản xuất như nhau, theo công nghệ do Nippon Sheet Glass Co., Ltd. (Nhật Bản) chuyển giao.


news  Các tin tức khác: